Tóm tắt nội dung chính
-
Tăng trưởng thị trường bao bì toàn cầu đến năm 2028: Thị trường bao bì sẽ đạt 1,17 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và 1,42 nghìn tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,9%. Châu Á là thị trường lớn nhất thế giới, chiếm 25,3% giá trị bao bì toàn cầu vào năm 2028. Các quốc gia phát triển nhanh nhất là Indonesia, Philippines và Ấn Độ.
-
Vật liệu bao bì: Nhựa mềm và giấy là hai loại vật liệu bao bì tăng trưởng nhanh nhất trong năm năm tới, với tốc độ trung bình hàng năm lần lượt là 5,1% và 4,2%. Nhựa tái chế, thủy tinh và kim loại cũng được phát triển, nhưng thấp hơn mức trung bình toàn cầu.
-
Hướng đến Bền vững: Các thương hiệu tiêu dùng hàng đầu đang tập trung vào cải thiện tính bền vững cho các sản phẩm bao bì của họ, với nhiều mục tiêu đặt ra cho năm 2025. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn cầu trong giai đoạn dự báo.
Smithers là công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu trong việc sản xuất các báo cáo ngành bao bì với hơn 80 năm kinh nghiệm hỗ trợ khoa học và kỹ thuật cho các công ty trên khắp thế giới.
Thị trường bao bì toàn cầu đến năm 2028
Báo cáo The Future of Global Packaging to 2028 (Tương lai của Bao bì Toàn cầu đến năm 2028) phân tích các xu hướng kinh tế, người tiêu dùng, lập pháp và nhân khẩu học để điều tra nhu cầu hiện tại và tương lai đối với nhiều loại bao bì, ứng dụng đầu cuối cũng như thị trường khu vực và quốc gia.
Báo cáo khẳng định rằng nhu cầu trên toàn thế giới đã tăng 5,8% so với cùng kỳ các năm từ 2018 đến 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau biến động kinh tế của đại dịch COVID-19.
Giá trị doanh thu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1,42 nghìn tỷ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3,9% bất chấp chi phí đầu vào tăng và sự không chắc chắn của kinh tế vĩ mô. Một nghiên cứu độc quyền về 50 thị trường quốc gia riêng lẻ trên toàn cầu cho thấy phần lớn sự gia tăng sẽ xuất phát từ tăng trưởng tự thân (organic growth).
Tăng trưởng tự thân (organic growth) là sự tăng trưởng mà một công ty đạt được bằng cách tăng sản lượng và tăng doanh số bán hàng từ bên trong. Điều này không bao gồm lợi nhuận hoặc sự tăng trưởng do sáp nhập và mua lại mà thay vào đó là sự tăng doanh số bán hàng và mở rộng thông qua tài nguyên của công ty. Tăng trưởng hữu cơ đối lập với tăng trưởng phi hữu cơ, là sự tăng trưởng liên quan đến các hoạt động bên ngoài hoạt động kinh doanh của một công ty. - (investopedia.com)
Thị trường bao bì ở các quốc gia và khu vực
Chỉ riêng ở châu Á, thị trường được dự đoán sẽ tăng 5,3% mỗi năm từ năm 2023 đến năm 2028. Là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới, người ta dự đoán rằng Trung Quốc sẽ chiếm 25,3% nhu cầu bao bì của thế giới, tính theo giá trị, vào năm 2028.
Theo Smithers, Indonesia, Philippines và Ấn Độ là những thị trường phát triển nhanh nhất; Trong đó, Ấn Độ vượt mặt doanh số kinh doanh bao bì của Đức lần đầu tiên vào năm 2022 và trở thành thị trường quốc gia lớn thứ ba. Nam và Trung Mỹ, Châu Phi và Trung Đông cũng được cho là có tiềm năng phát triển, mặc dù với tốc độ chậm hơn.
Nhựa mềm và giấy là vật liệu bao bì phát triển nhanh nhất
Người ta cho rằng, ở các khu vực này, sức chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn sẽ thúc đẩy doanh số bán bao bì thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm - dẫn đến tăng doanh số các dạng bao bì nhựa mềm, đạt CAGR toàn cầu là 5,1% - đưa nhựa mềm trở thành vật liệu bao bì có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm tới.
Mặc dù nhận thức ngày càng tăng xung quanh những thách thức trong việc thu hồi và tái chế nhựa đã qua sử dụng, doanh thu toàn cầu rõ ràng sẽ tăng từ 197,7 tỷ USD trong năm nay lên 253,2 tỷ USD vào năm 2028.
Một lưu ý khác, giấy (paperboard) – bao gồm các loại giấy sóng, giấy làm hộp (folding carton) và các biến thể khác – chiếm 31,8% giá trị thế giới, tương đương 373,8 tỷ USD, vào năm 2023, theo Smithers. Đây hiện là phân khúc vật liệu lớn nhất và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,2% cho đến năm 2028.
Smithers cho biết mức tăng trưởng này là dưới mức trung bình, nhưng nhu cầu vẫn đang gia tăng bởi sự tăng trưởng của thương mại điện tử, và giấy cũng trở thành một phương án thay thế cao cấp cho nhựa tiêu dùng ở các khu vực phát triển. Việc thay thế này được cho là đang thu hút được nhiều sự chú ý nhất ở châu Âu - nơi có quy định về nhựa sử dụng một lần, kết hợp với Quy định về chất thải bao bì và đóng gói được cập nhật liên tục.
Bao bì thủy tinh và kim loại cũng dự kiến sẽ được phát triển hơn nữa, tuy nhiên Smithers dự đoán rằng cả hai thị trường sẽ ở mức thấp hơn mức trung bình toàn cầu trong 5 năm tới, để ưu tiên các vật liệu nhẹ hơn, ít tiêu tốn năng lượng hơn.Hướng đến sự bền vững
Báo cáo cho biết các thương hiệu Hàng hóa đóng gói tiêu dùng (CPG) hàng đầu cũng đang tập trung vào việc cải thiện tính bền vững cho danh mục bao bì của họ trong giai đoạn dự báo, với nhiều mục tiêu theo đuổi cho đến năm 2025. Điều này hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho sự phát triển toàn cầu trong giai đoạn dự báo.
Đồng thời, nhu cầu về nhựa tái chế đang tăng lên, mặc dù Smithers khẳng định rằng việc đầu tư tiếp vào cơ sở hạ tầng tái chế là cần thiết để thành công như một giải pháp dài hạn. Nhựa tái chế sau sử dụng sẽ tập trung vào nhựa cứng trước tiên, báo cáo thêm vào, với một sự tập trung đặc biệt vào PET - nhưng khi khả năng tái chế tiên tiến ở quy mô lớn trở nên phổ biến hơn, các loại nhựa mềm và polyolefin có vẻ sẽ được hưởng lợi ngày càng nhiều.